22.10.13

Tiếng chuông Đức Pháp

Dạ Lai Hương, Xóm Gạo Lứt, tiếng chuông chánh niệm, ngày về Xóm Gạo Lứt

Trước khi đi vào phần “Tiếng Chuông Đức Pháp”, xin chuyển đến anh chị và các bạn hai nội dung. Một là cảm nhận của một bạn 9x đã tham dự ngày về 13.10.2013 vừa qua. Đó là bạn Chúc Võ, một Phật tử trẻ, đã từng tham gia đội nấu ăn trong khóa tu Mùa Hè tại chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn). Khi biết về thông tin này (khóa tu có phần nói chuyện của Giáo Sư Ngô Bảo Châu), tôi có hỏi em là cảm nhận của các bạn trẻ sau buổi đó như thế nào thì em có trả lời là không hấp dẫn lắm, một phần là vì giọng nói các bạn không nghe được…

-MỘT-


“Chào anh Dạ Lai Hương,

Em muốn nói về một số suy nghĩ của mình sau chuyến đi. Thật bỡ ngỡ và lạ lẫm. Có nhiều điều mới mẻ mà trước giờ em chưa hề biết về phương pháp thiền hơi thở, một hướng khá lạ kể từ khi em biết Phật Pháp. Em đã quan sát và cảm nhận được rất nhiều.

Em thật sự ấn tượng khi mọi người nắm tay và hòa mình cùng hát bài "Người ơi, sao người dễ thương...". Từng lời hát rất thắm, rất hay. Có một sự thắm và xúc động không hề nhẹ, anh à!

Về Xóm Gạo Lứt là em về với thiên nhiên, được hiểu thêm nhiều kiến thức bổ ích của việc dùng THỨC ĂN ĐÚNG. Chuyến đi với những con người dễ thương, những trải nghiệm thú vị, em cảm thấy an lạc và ý nghĩa. Cám ơn tất cả mọi người và các dì đã làm cho ngày về của em được trọn vẹn. Cám ơn anh đã cho em cơ hội này.

Em rất thích những bài hát của mọi người.
Lần sau em sẽ học thuộc để hòa cùng "tập thể quảng cáo" cho vui.

Chào anh!
18.10.2013
-Chúc Võ”


Chúc Võ được xem như một tờ giấy trắng. Em chưa biết gì về Thực Dưỡng. Việc em tham gia là vì được Liên Nga – người bạn thân – mời gọi. Về phần Liên Nga thì tâm trí em đối với chủ đề Thực Dưỡng cũng không khác, cũng là một tờ giấy trắng. Vì vậy cho nên cảm nhận của các em sau chuyến đi là rất quan trọng đối với tôi. Lắng nghe các em sẽ giúp cho tôi nhìn lại đường hướng thực hiện và có những điều chỉnh thích hợp trong những lần tổ chức về sau.

Trong phần nhắn gửi ở trên, Chúc Võ nêu ra một ý rất quan trọng. Đó là “dùng THỨC ĂN ĐÚNG”. Và em đã dùng chữ viết hoa. Tôi đọc mà cảm thấy sung sướng vô cùng. Đó chính là chủ đích của tôi khi thiết lập nên một ngày trở về như thế. Chọn lựa thức ăn sao cho đúng, chọn lựa một đường lối tiêu thụ như thế nào cho an lành đó chính thực là niềm mong mỏi mà tôi – người tổ chức – kỳ vọng ở anh chị và các bạn tham dự. Thật không uổng công tôi đã ngồi chia sẻ hơn 1 tiếng đồng hồ với hai em vào đêm thứ 7 trước chuyến đi…

Hy vọng rằng nhờ những bạn trẻ này – những người dễ thích nghi, sẵn sàng đặt câu hỏi và có thể buông bỏ những hiểu biết đã tích lũy để tiếp nhận những gì tươi mới –  mà những tinh hoa trong Thực Dưỡng sẽ được khai phá và lan truyền.


-HAI-

Nội dung thứ hai là công tác tổ chức. Anh Tự Tại có nói với tôi khi về tới Sài Gòn là mấy lần gần đây thấy cách thức triển khai rất gọn nhẹ. Quả là rất gọn nhẹ. Tôi chỉ cần 1 ngày tiền trạm thôi. Còn sau đó thì chỉ gọi đúng 1 cuộc chưa đầy 2 phút về Xóm Gạo Lứt để chuẩn bị cho chương trình. Chi phí nếu có phát sinh thì chỉ là các cuộc gọi, nhắn tin qua lại với các anh chị em khách mời. Phản hồi của anh Tự Tại có thể xem như là một lời ngợi khen ý nhị. Và tôi rất mong anh Trung Nhẫn sẽ đọc được những dòng này. Anh Trung Nhẫn là một lam anh mà tôi đã có được cơ hội làm việc chung trong những chuyến đi dã ngoại có tính chất tương tự và các đợt công tác xã hội. Quan sát cách làm việc của anh tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Có thể kể ra 2 chuyến đi tiêu biểu là Ngày Không Khói (29.12.2012) và Mở Cửa Trái Tim (10 và 11.8.2013).

Ngày Không Khói là ngày mà chúng tôi tập dùng xe đạp để về với ruộng đồng Long An. 1 tuần trước đó, anh cùng với một lam em đã đi tiền trạm để chọn một tuyến đường vắng, ít khói bụi cho chúng tôi. 2.10.2013 vừa qua, tôi cùng với lam em Diệu Uyên cũng làm ý như thế. Chúng tôi cũng tiền trạm, cũng thăm dò trước con đường ra ao sen. Nếu anh Trung Nhẫn đã sắp đặt chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho cả đoàn như thế nào thì chúng tôi cũng làm y như thế, cũng liên hệ chùa, cũng đến thỉnh ý thầy Mẫn về một chỗ đặt lưng lúc trưa hè. Rồi còn đợt thiện nguyện mới nhất trong tháng 8 ở Long An – Bến Tre nữa, có rất nhiều bài học sống động nơi anh mà tôi đã thâu nhận được… Chia sẻ những điều này để có thể đúc kết rằng dù anh bận việc không tham gia cùng chúng tôi nhưng ảnh hưởng của anh nơi tôi là rất rõ ràng. Không có anh tham dự thật ra cũng chỉ là một cách nói, tôi thấy rất rõ ràng bóng dáng anh Trung Nhẫn trong ngày về Xóm Gạo.

-BA-
 
Xin được đi vào nội dung chủ đạo trong bài này. Đó là tiếng chuông Đức Pháp. Trong một dòng bình luận trên facebook thì tôi có viết rằng “Chuông - không có pháp khí này của anh Đức Pháp thì ngày về Xóm Gạo Lứt sẽ mất đi 75% giá trị” .75% chỉ là một con số mang tính ước lệ. Nó có nghĩa là tiếng chuông Đức Pháp giữ một địa vị rất lớn, quyết định toàn cục.

Các anh chị và bạn nào đã tham dự chắc đã chứng thực điều này. Trong cả 3 bữa ăn, chúng tôi đều dành ra ít nhất 10 phút ăn trong im lặng và trước khi ăn đều có thỉnh chuông. Khi ra đi bộ ra ao sen, chúng tôi đứng thành vòng tròn, nghe chuông rồi bắt đầu bước những bước tĩnh lặng. Khi nghỉ trưa ở chùa, chúng tôi cũng tập nghe chuông. Khi dâng hương, khi lạy đất Mẹ, cả khi tập hạnh bố thí, chuông đều được thỉnh lên như một lời hiệu triệu.

Nếu nhìn qua hình ảnh hay đọc những dòng này mà một số anh chị và các bạn nhanh chóng nhận định rằng chúng tôi đang đi theo một pháp môn, một đường hướng tu tập của một ai đó thì tôi rất mong mọi người hãy bình tâm. Tinh thần của chuyến đi không phải là để truyền giáo và phổ biến một pháp tu nào cả. Thành phần tham dự có Phật tử, có người theo Thiên Chúa, có người chỉ thờ ông bà tổ tiên. Và chúng tôi cũng không đại diện cho bất cứ đạo tràng hay nhóm tu nào. Chuyến đi này chỉ có mục đích là tham quan và tìm hiểu Xóm Gạo Lứt thông qua những bữa ăn, những buổi uống trà chia sẻ. Nói ngắn gọn là chuyến đi này chủ yếu chỉ để ĂN và CHƠI.

Chỉ để ĂN và CHƠI. Có vậy thôi. Nhưng ăn ở đây là ăn gạo lứt. Và chơi ở đây là chúng tôi đã phải dậy từ 4 giờ sáng và vượt qua quãng đường hơn 50km. Cho nên chúng tôi không muốn lãng phí bất kỳ miếng nhai, hay bất kỳ một khoảnh khắc nào… Chúng tôi muốn ăn cho ra ăn và chơi cho ra chơi. Ăn và Chơi như thế nào cho có phẩm chất? Đó là câu hỏi mà tôi đã đặt ra và quyết tâm thực tập cho bằng được. Vậy nên tôi chọn cách dùng tiếng chuông để mời gọi tất cả cùng ăn và chơi, ăn và chơi có ý thức cùng tôi.

Một anh công an giao thông thấy ai lấn tuyến thì sẽ thổi còi. Một người bảo vệ đến giờ vào lớp thì sẽ đánh trống. Rồi còn bao nhiêu trường hợp tương tự như thế. Cả thiên hạ này đều nương vào âm thanh để truyền thông, để tương tác. Chúng tôi cũng thế thôi. Chúng tôi không hề làm một chuyện khác người. Trong nhiều vật dụng có thể tạo ra tiếng động chúng tôi nghĩ rằng âm thanh tiếng chuông thì dễ thương. Về công năng, nó giúp chúng tôi báo hiệu cho mọi người dừng lại, dừng lại mọi suy nghĩ tìm cầu chỉ để tập trung vào chuyện thưởng thức mỗi bức ăn, bước chân và cảnh vật xung quanh mình.

Tôi rất biết ơn vì tất cả anh chị em đã lắng nghe chuông cùng tôi, cùng ăn và cùng chơi hết lòng trong ngày chủ nhật tháng 10 vừa qua. Cũng như ý vừa viết phần 2, chuông này là pháp khí mà anh Đức Pháp đã yểm trợ. Anh cũng vì bận việc mà không có mặt. Nhưng chúng tôi thấy rõ rằng không có mặt cũng chỉ là một cách nói thôi. Anh Đức Pháp vẫn có đó cho chúng tôi. Bóng dáng của anh thật rõ ràng. Chuông này là quà tặng từ nước Đức xa xôi. Và chúng tôi nghĩ rằng cả người trao đi và cả người nhận lại chắc hẳn sẽ có thể mỉm cười khi thấy rằng quả chuông của mình đã được sử dụng đúng mục đích.

Dạ Lai Hương
22.10.2013
Nguồn ảnh: Nguyên Nhàn

No comments:

Post a Comment